Cắt tỉa tu bổ cây Bonsai

Bonsai phải được cắt tỉa nhiều lần mới có được dáng thế mong muốn
Bonsai phải được cắt tỉa nhiều lần mới có được dáng thế mong muốn

Cắt tỉa tu bổ cây Bonsai quan trọng không khác giai đoạn cắt tỉa tạo dáng, vì nó góp phần hoàn chỉnh hình dáng cây cho phù hợp với thế kiểng đã chọn. Cắt tỉa đều đặn trong suốt thời kỳ sinh trưởng của các đọt mới xuất hiện trong năm.

Mục đích của sự cắt tỉa này :

– Hạn chế sự phát triển vô trật tự do sự nẩy chối tự nhiên của cây;

 -Duy trì một tỉ lệ hài hòa giữa thân cây và nhánh. Sự cắt tỉa đều đặn tạo ra những nhánh nhỏ hơn và tạo được một cây Bonsai có tỉ lệ cân đối hơn;

– Duy trì hình dáng và tỉ lệ của khối nhánh và khối ngọn;

– Cắt ngắn các đọt mới để ngăn bớt sự tăng trưởng theo chiều dài của chúng;

– Giảm dần kích cỡ của lá bằng cách cắt tỉa lá.

1.Cắt tỉa chồi

Cần bấm chồi đều đặn : hàng tuần hoặc 2 tuần một lần .

Dùng móng tay bấm bỏ các chồi trên các tược non vừa phát triển.

Có thể làm nhiều lần trong năm, nếu cây tạo ra nhiều đợt nhánh mới; lặp lại nhiều lần sự tỉa chồi như thế sẽ làm cho những lá xuất hiện về sau này nhỏ bớt đi.

Sự tỉa chồi có thể làm suy yếu cây, nên cần bón phân đều đặn nhưng không quá nhiều.

2.Cắt tỉa lá

Chủ yếu áp dụng cho những cây lá to: cắt bỏ phiến lá chừa cuống lại hay cắt bớt diện tích lá chỉ chừa lại ½ hay ¼ phiến lá. Bị hành hạ như vậy, cuối cùng lá sẽ rụng và các lá mọc ra sau này sẽ nhỏ hơn. Khi rụng thì các chồi nách sẽ phát triển và cho ra những đọt mới. Chỉ áp dụng biện pháp này ở những cây khỏe mạnh, bón phân để cây vượt qua giai đoạn trụi lá này. Giữ trong mát cho đến khi chúng mọc mạnh lại.

Đối với các loài cây có lá nhỏ hơn, có thể loại hết lá nhiều lần trong mùa sinh trưởng, xem như mỗi lần trụi lá là cây sang qua một chu kỳ sinh trưởng mới ( ví dụ: cây Cần thăng không tưới nước một thời gian lá sẽ rụng nhưng cây không chết, sau đó tưới nước, lá sẽ mọc lại).

3.Cắt tỉa đọt

Đây là thao tác tu bổ quan trọng nhất vì:

– Nó quyết định hình thể và vẻ đẹp của tán cây.

– Giúp duy trì dáng thế của cây

Cách làm : thay đổi tùy loại cây ( tùng loại hay diệp loại)

* Diệp loại ( cây có lá rộng )

Cắt ngắn các đọt quá dài, chừa lại 2 hoặc 4 cặp lá ( tùy loài), nhánh sẽ mọc thêm và lá sẽ mọc nhỏ hơn sau đó. Đối với những cây trồng vì hoa và trái, chỉ tỉa đọt sau khi trổ hoa.

*Tùng loại (cây có lá kim)

Chỉ tỉa mỗi năm 1 lần. Khi các đọt non mềm, mới phát triển chỉ cần bấm đọt bằng móng tay, cho ngắn bớt khoảng 2/3 ( đối với thông). Không  nên dùng kéo cắt, vì như vậy sẽ cắt phạm các lá kim còn lại, những lá bị cắt phạm sẽ bị vàng úa sau vài tuần lễ, sẽ làm xấu cây. Đối với Tùng, bấm một đoạn thật ngắn ở gần ngọn đọt.

Lưu ý khi tỉa đọt thì tỉa đồng loạt toàn cây. Nếu tỉa cành này chừa cành kia thì có khả năng chúng sẽ bỏ hẳn cành bị tỉa, như trường hợp của cây Sung.

Nếu muốn làm cho một nhánh hiện có mọc dần dần cách xa thân cây thì cắt ngay phía trên của một mắt có chồi hướng tự nhiên ra phía ngoài.

4. Cắt tỉa rễ

Lúc thay đất thay chậu với mục đích:

– Hạn chê sự sinh trưởng của cây;

–  Tạo rễ mới mạnh khỏe hơn;

-Loại những rễ quá dài, rườm rà.

Cắt khoảng 1/3 chiều dài của rễ ở những cây còn nhỏ, cắt 2 – 3cm chiều dài của rễ ở những cây già.

Lê Công Kiệt – Nguyễn Thiện Tịch

Leave a Comment