CẦU TRONG VƯỜN CẢNH

Cầu là công trình xây dựng nằm trên tuyến giao thông để vượt qua các chướng ngại như: dòng nước thung lũng, vực sâu…Cầu trong vườn cảnh là loại hình kiến trúc đặc biệt bắc qua khe suối, ao hồ nối liền bờ đất với đình tạ giữa hồ, hay nối với cù lao, đảo nhỏ trên hồ.. Về cơ bản cầu trong vườn cảnh phải được sử dụng thực tế, tạo sự liên thông từ khu vực này với khu vực khác trong vườn, nối hai khu vực để tạo thành không gian chung, không chỉ là giải pháp giao thông bình thường mà nó còn hợp nhất hai phía thành một chỉnh thể. Vì vậy xây dựng cầu trong vuờn cảnh có hai yếu tố được chú trọng: xác định vị trí đặt cầu và tạo hình để phù hợp với cảnh quan chung.

Cầu trong vườn cảnh có thể làm bằng những loại chất liệu khác nhau như tre, gỗ, sắt thép, đá . . . kích thước phụ thuộc vào độ rộng của dòng nước hay khoảng cách giữa hai điểm muốn nối kết. Về hình dạng và kết cấu có thể phân : cầu đơn giản (chỉ một phiến đá hay một mảnh ván), cầu có tay vịn, cầu có mái.

Cầu có mái là loại cầu gồm hai phần, phần trên là nhà, phần dưới là cầu (thượng gia ,hạ kiều), tiêu biểu như Mân phong kiều ở Bắc kinh (hình 1). Ngoài mục đích giao thông , cầu còn là bộ phận trong tổng thể kiến trúc cảnh quan, công trình này  phục vụ cho việc nghỉ ngơi, điểm dừng chân của du khách. Kết cấu phần trên thường là cột gỗ, mái ngói; bên trong đặt bàn ghế hay băng gỗ dọc theo thành cầu.Điển hình như chùa Cầu ở Hội An hay Nhật nguyệt tiên kiều ở chùa Thầy- Hà Tây, được xây dựng theo từng nhịp,từng gian. Phần lớn của phần cầu là kết cấu cột gỗ tròn cắm hơi nghiêng xuống đáy, đỡ xà ngang của từng nhịp , trên xà ngang đặt xà dọc và lát ván mặt cầu, hai bờ chân cầu thường xây gạch hoặc kè đá vững chắc. Phần trên mặt cầu là nhà , dựng trên xà ngang và chia cầu thành một hoặc ba gian theo chiều dọc ; gian giữa rộng là lối đi qua lại, hai gian bên hẹp hơn đặt băng ghế gỗ để khách nghỉ ngơi. Cầu có mái là một loại hình độc đáo, thường xuất hiện trongvườn cảnh Trung quốc.

Những cây cầu có kiến trúc độc đáo trong giao thông thì cũng là hình ảnh gợi ý cho người ta chế tác cầu trong vườn cảnh. Cầu Triệu Châu  còn được gọi là cầu AnTế ở tỉnh Hà Bắc-Trung quốc, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7, toàn bằng đá theo hình vòm cung, là một trong bốn di tích thắng cảnh phương Bắc . Ngọc đới kiều trong Di hòa viên-Bắc kinh được làm bằng đá cẩm thạch và đá hoa cương trắng, với mái vòm cung cao, thanh mảnh trông như chiếc đai ngọc được coi là chiếc cầu đẹp nhất trong vườn cảnh Đông phương.

Nếu cầu trong vườn cảnh Trung quốc như công trình kiến trúc thực sự, nó được xây dựng bề thế, trang trí công phu, tỉ mỉ,tạo cảnh quan đặc thù cho vườn ; thì cầu trong vườn Nhật thường đơn giản, xem trọng yếu tố thiên nhiên, tạo nên cảnh quan trang nhã, thanh lịch.Một chiếc cầu đá cong, được làm bằng đá tự nhiên bắc ngang qua dòng suối, khe lạch nhỏ tạo nên cảnh duyên dáng, quyến rủ. Bằng haj mảnh ván dày đặt so le nhauvà sáu cọc gỗ, bốn cọc ở hai bờ đất, hai cọc giữa dòng suối, thì chiếc cầu này phù hợp với lối mòn quanh co uốn khúc trong vườn bình dị và mộc mạc.

YATSU-HASHI  cũng là loại cầu gỗ được làm bằng tám mảnh ván bắc zíc-zắc (giống như cầu Cửu khúc )từ bờ ra đảo nhỏ giữa hồ, sẽ làm chậm bước chân người đi dạo, để ngắm đàn cá bơi lượn giữa làn nước trong hoặc rặng liễu rủ ven hồ tạo cho khách cảm giác bình yên và tỉnh lặng.

ISHIBASHI là  loại cầu chỉ dùng một phiến đá cong mộc mạc hay có chạm hoa văn (hình 3 và hình 4) bắc ngang dòng nước nhỏ thường được sử dụng trong vườn Nhật và phong cách này ảnh hưởng ít nhiều đến các nước phương Tây. Thông thường thủ pháp tao cầu đá ISHIBASHI là gắn liền với nó có một hoặc vài tảng đá bên hai đầu cầu còn gọi là “tảng đá neo” để đảm bảo cho cầu vững chải , không xê dịch , mà còn tạo chiếc cầu không đơn độc,hòa hợp cùng cảnh chung quanh. Kích thước đá neo cầu phải tương xứng, phía xa trồng cây lá kim như Thông, Tùng ;nơi gần cầu trồng cây bụi nhỏ như Đỗ quyên, Dương xỉ theo luật phối cảnh dễ gây ấn tượng hơn.Cầu đá cõng có thể sử dụng một hoặc hai phiến đá, nếu dùng hai phiến đá bắc thành hai nhịpthì chính giữa dòng suối phải chọn hòn đá kê bên dưới vững chắc, có vẻ tự nhiên, lác đác cạnh đó là vài hòn đá nhô lên cho dòng nước lượn lờ, đổi hướng.

Cầu tre, cầu gỗ, cầu khỉ, cầu ván dù  mang tính tạm thời , nhưng nó là hình ảnh đặc thù, truyền thống của vùng song nước miền Tây nam bộ , đơn sơ, mộc mạc mà hữu tình. Trong vườn cảnh đôi khi người ta dùng tre gỗ hoặc thân cây dừa để làm cầu sao cho phù hợp với tổng thể, hài hòa cùng tự nhiên, bình dị mà sâu lắng. Mặc dù cầu được làm bằng bất kỳ chất liệu nào, thì cũng nên đảm bảo sự vững vàng, đủ tải trọng cần thiết khi sử dụng và nhất là vị trí của nó có sự lien hệ cơ hữu với từng khu vực để tạo nên cảnh quan đặc trưng và hấp dẫn.

Leave a Comment