Cây nho và các bệnh gây hại

Cây nho có tên khoa học là Vitis vinifera L,thuộc họ Nho (Ampelida ceae)

Cây nho có quả hình cầu hoặc hình ôvan. Quả có màu sắc khác nhau. Khi còn non có màu xanh. Khi lớn và chín quả có màu xanh, đỏ đậm, tím tùy thuộc vào đặc điểm của giống. Quả nho có chứa đường (glucô còn gọi là đường nho, saccaro), các axít hữu cơ, các loại vitamin C, B1, B2. Quả có thể sử dụng ở dạng tươi để ăn hoặc làm nguyên liệu để chế biến (rượu vang, nước quả nho, nho khô,v.v….).

Quả của cây nho
Quả của cây nho

Các giống nho hiện đang trồng ở nước ta là những giống nho nhập nội từ Thái Lan, Pháp và một số nước khác.

Trồng nho cần chú ý làm giàn cho cây nho leo. Giàn có thể cấu tạo dưới dạng hàng rào hoặc giàn phẳng đem lại hiệu quả tốt hơn là giàn hàng rào. Giàn phẳng bảo đảm độ thoáng lớn trong tán cây nho, đồng thời làm cho lá cây nho tiếp nhận được nhiều ánh nắng mặt trời trong điều kiện thời tiết có nhiều mây vào mùa hè ở nước ta.

Yếu tố gây trở ngại lớn nhất cho nghề trồng nho ở nước ta cũng như ở các nước trên thế giới là sâu bệnh hại. Nho là loài cây trồng bị nhiều loại sâu bệnh gây hại. Đặc biệt có những loại sâu bệnh nguy hiểm như mốc sương (do nấm Plasmopara viticola B. et de T.), phấn trắng (do nấm Uncinula necator Burr), thối rễ (do nấm Bornetina corium Mang. et Viala), các bệnh đốm lá (do các loài nấm Cercospora Mycosphaerella), các vết sẹo (do nấm Septoria ampolina B. et C.) và một số loài khác. Cây nho trồng ở các nước có khí hậu nhiệt đới còn bị một số loài nấm gây bệnh gỉ sắt là Kuehneola vitis Syd., Phakopsora virus Syd, Phakopsora cronartiformis Diet. Ngoài các loại bệnh ra, nho còn bị một số sâu và động vật gây hại như: Ốc sên ăn lá và chùm quả, bọ cánh cứng ăn mầm và lá – sâu non loài bọ này ăn rễ, sâu non bướm ánh bạc ăn lá, mầm, rệp sáp hút nhựa.

Vì vậy, để trồng  cây nho đạt được hiệu quả kinh tế cần quan tâm đến phòng trừ sâu bệnh cho cây nho. Sau mỗi vụ thu hoạch nho, cần tiến hành cắt cành, thu dọn cành lá, quả rụng đem chôn sâu dưới đất hoặc đem ra xa khỏi vườn nho, chú ý quét vôi gốc cây nho vào mùa đông.

Thường xuyên theo dõi phát sinh và diễn biến của sâu bệnh trong vườn nho. Định kỳ tiến hành vặt lá bị bệnh, bắt sâu. Khi sâu bệnh xuất hiện quá nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và năng suất của vườn nho cần kịp thời tiến hành các biện pháp diệt trừ. Trường hợp phải phun thuốc cần đảm bảo 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng quy cách kỹ thuật, đúng thời gian cách ly.

Sổ tay nhà vườn

Leave a Comment