Hình thái và cấu tạo kiểng Bonsai – Phần 4

Bonsai Vạn niên tùng
Bonsai Vạn niên tùng

II. Cấu tạo kiểng Bonsai

1. Ba nhóm sinh mô

Mô non làm cho rễ, thân, nhánh mọc dài ra hoặc dày lên.

* Sinh mô ngọn: ở ngọn thân, ngọn nhánh, ngọn rễ.

– Bảo đảm sự tăng trưởng theo chiều cao (thân), chiều dài (nhánh, rễ) hay chiều sâu (rễ).

* Tượng tầng : nằm giữa phần vỏ mềm và phần gỗ cứng của rễ, thân hoặc nhánh, tạo ra libe (dẫn nhựa luyện) và gỗ (dẫn nhựa nguyên).

– Bảo đảm sự tăng trưởng bề dày (đường kính) của rễ, thân, nhánh.

Tượng tầng rất cần thiết trong kỹ thuật ghép Bonsai, vì nhờ nó mà các mô dẫn nhựa của của gốc ghép và mắt ghép nối ghép với nhau dễ dàng và nhanh chóng.

Khi cắt tỉa và lột vỏ, tượng tầng giúp cho vết thương mau lành sẹo.

* Tầng bì sinh: nằm ở phía trong của lớp bấc (sube) của thân và nhánh, tạo ra mô sube (bấc) để bảo vệ mặt ngoài của thân và nhánh từ đó xuất hiện các bì khổng làm cho bề mặt vỏ cây trở nên sần sùi, nứt nẻ,…..

2. Đụt khoét thân và cành

Có thể đục khoét phần gỗ chết ở gốc hoặc ở các sẹo nhánh cũ để làm tăng vẻ  già cỗi của cây.

3. Lực uốn cong và lực phản ứng của mô gỗ

– Ở những nhánh nằm ngang hoặc uốn cong thì tượng tầng tạo nên mô gỗ nhiều hơn ở phía trên (các cây diệp loại) hoặc ở phía dưới (các cây tùng loại) của nhánh để đề kháng với tác động của trọng lực hoặc lực uốn cong. Ta gọi đó là lực phản ứng.

– Cơ chế thành lập gỗ phản ứng này cũng giúp cho một nhánh ngang hoặc nghiêng mọc đứng dậy và phát triển mạnh hơn nếu ta để chậu cây ( hoặc thân cây) nghiêng 45trong một thời gian.

– Thời gian thành lập gỗ phản ứng thay đổi tùy theo loài, từ 6 tháng đến 2 năm. Do đó nếu tháo kẽm quá sớm thì thân hoặc nhánh sẽ mọc thẳng trở lại.

4. Vỏ cây

Vỏ cây là nét đặc trưng của từng loài cây, và cũng là sắc thái quan trọng của cây Bonsai, vì vỏ cây phát triển rất chậm, nên đây là một trong số ít dấu hiệu về tuổi già và giá trị của cây Bonsai.

Nơi thân và nhánh bị thương tích hoặc bị cắt tỉa , một mô sẹo hình thành để phủ lên một phần hoặc hàn kín vết thương. Dấu vết này cũng là một nét độc đáo của các thân cây già cỗi.

– Lớp bấc (sube) thường có màu nâu, trắng, ngà, xám, hung…nứt nẻ thành ô, hột cườm, sọc , vảy… hoặc tróc ra thành “mày”…Tất cả những nét hình thái này góp phần :

-Tạo vẻ già cỗi của thân cây và các nhánh lớn.

– Tạo vẻ đẹp cho cây ( màu sắc , hình thể của vết nứt…).

– Trong thực tiễn, thì  vỏ cây gồm cả phần libe nữa, nên khi lột vỏ cây là ta lột luôn cả mô libe, để lộ mô gỗ ra.

– Tránh đừng để  có vết hằn của dây quấn trên thân và nhánh, chúng sẽ không bao giờ liền lặn trở lại. Ở Nhật : đây là một mặt xấu về mặt thẩm mỹ, bị tính điểm âm hoặc bị loại.

Nguồn : Kỹ thuật Bonsai – Lê Công Kiệt – Nguyễn Thiện Tịch

Leave a Comment