Kỹ thuật trồng bơ

  1. Đất trồng

Cây bơ trồng được ở nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất ở đất đỏ bazan. Địa hình đất trồng bơ bắt buộc phải thoát nước tốt, đây là lý do miền Tây Nam Bộ khó phát triển được bơ. Độ pH đất từ 5 – 6, trên đất cà phê cần bổ sung vôi.Ở vùng đất quá dốc thì thiết kế theo đường đồng mức, tạo băng để hạn chế xói mòn.

  1. Giống trồng

Cây bơ trồng từ hạt phân ly rất lớn trên nhiều tính trạng và chất lượng quả. Phải trồng cây ghép đúng giống tốt, cây sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh, năng suất đạt cao, dạng quả và chất lượng quả đảm bảo thị trường trong nước và phù hợp với một số chỉ tiêu xuất khẩu.

  1. Mật độ, cách trồng

– Khoảng cách: Tùy theo loại đất và chủng giống, đất có độ phì thấp trồng với khoảng cách 7m × 7m (200 cây/ha), hay 7m × 8m (178 cây/ha). Những giống bơ lai, nền đất có độ phì nhiêu cao trồng với khoảng cách thưa hơn 8m × 8m (156 cây/ha).

– Hố trồng được đào với kích thước 0,6 × 0,6 × 0,6m, khi đào hố nên để riêng lớp đất mặt ra một bên và đất ở phía dưới ra một bên, bón lót mỗi hố 10 – 15kg phân chuồng đã ủ hoai mục, 200 – 300g Super lân, trộn đều với đất mặt xung quanh, ngoài ra để nâng cao độ pH và phòng trừ mối, kiến hay tuyến trùng nên trộn thêm với 50g Basudin 10H + Furadan và 0,5 kg vôi trộn đều với hỗn hợp đất mặt và phân lấp đầy hố (ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ, mặn đất và chết cây).

– Trồng cây: Đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng cây giống khoảng 2 – 3cm. Sau đó, dùng tây hoặc cuốc móc một lỗ ở tâm hố, kích thước to hơn bầu cây đôi chút.

Để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đấy 2 – 3cm, bốc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng.

Dùng tay lấp và ém chặc lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rễ ngang (với mặt đất xung quanh), không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng cần làm bồn đường kính 1m, khi tưới nước sẽ không chảy ra ngoài.

Trồng xong lấy cọc cắm, buộc cành vào cọc tránh gió lay gốc. Sau đó dùng tàu dừa che nắng hướng Đông và hướng Tây, nếu có gió mạnh thì che thêm ở hướng gió thổi đến. Nên dùng tàu dừa để việc lưu thông không khí được dễ dàng, thời gian che khoảng 60 ngày.

  1. Chăm sóc

– Tưới nước: Tưới nước ngay sau khi trồng, trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ tốn công tưới nước. Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước ít nhất 1 tháng đầu (nên tưới bằng vòi phun tưới lượng nước vừa đủ vì quá ẩm rễ bơ dễ bị nấm), nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

– Cắt tỉa cành: Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Sau khi trồng nên bấm ngon ở độ cao 60 – 70cm. Sau khi ngọn bị cắt sẽ có những cành mọc ra chọn để lại những cành khỏe, mập mọc cách xa nhau vừa phải, việc cắt tỉa này được tiến hành đều đặn trong năm đầu. Sau đó cắt tỉa các chồi vượt, những cành vô hiệu như: Cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh,….

– Bón phân: Phân hữu cơ ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng vi lượng, nâng cao độ phì, tăng khả năng giữ nước còn làm tăng hiệu suất sử dụng phân bón khoáng NPK, do đó hàng năm nên bón phân chuồng cho cây 1 – 2 lần khoảng 20 – 25kg/gốc/năm (bón phân đã ủ hoai mục), rải đều lên mặt bồn vào đầu hay giữa mùa mưa.

Năm thứ 1: Sau khi trồng 20 ngày bón phân NPK (15-15-15) hay NPK (16-16-8) 100 – 150g/gốc, bón bằng cách rải xung quanh tán, sau đó phủ lên một lớp đất mỏng hay pha loãng với nước tưới. Một tháng sau bón lần 2 lượng phân như lần 1. Khi cây bơ còn nhỏ định kỳ 1 – 2 tháng nên phun thêm phân bón lá kết hợp với các loại thuốc trừ sâu rầy để phòng trừ sâu bệnh và bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây.

Năm thứ 2: Dùng phân NPK trên bón liều lượng 0,5 – 1kg, chia làm 2 lần bón (đầu và cuối mùa mưa).

Năm thứ 3 và thứ 4: Cây bắt đầu cho trái bón mỗi gốc 2 – 3kg chia làm 3lần bón: Lần 1 sau thu hoạch, lần 2 trước ra hoa, lần 3 bón sau khi trái đậu 1 tháng. Khi cây cho trái ổn định mỗi năm bón 4 – 5kg NPK, cộng thêm mỗi gốc 0,5 – 1kg phân kali (K2SO4), bón thúc trước thu hoạch khoảng 1 tháng để tăng chất lượng quả.

Phương pháp bón phân cho cây bơ trưởng thành: Bón phân khi đất đủ ẩm, đào rãnh cạn xung quanh tán cây bơ, chiếu theo mép tán, bỏ phân vào rồi lấp đất.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

*Sâu

– Sâu cuốn lá: Sâu nhả tơ cuốn lá lại để làm tổ, sâu dài khoảng 10mm, màu xanh và có những lằn ngang không rõ rệt. Trưởng thành, sâu làm nhộng trong các tổ lá, nằm yên 5 – 7 ngày rồi vũ hóa. Dùng các loại thuốc trừ sâu nội hấp để phun diệt trừ. Nếu có điều kiện, trước khi phun thuốc, nên gỡ bỏ các tổ lá do sâu cuốn lại để tăng thêm hiệu lực của thuốc.

– Sâu cắn lá: Có rất nhiều loài, sâu ăn trụi lá làm chết cây con và làm giảm sức tăng trưởng cây lớn. Có thể tìm thấy sâu trên lá, trên cành hoặc vỏ thân cây. Ban ngày, sâu ẩn núp dưới gốc cây, đêm đến bò ra phá hoại.

– Rầy bông: Rầy thường xuất hiện vào mùa mưa, chích hút nhựa lá và đọt non, quả non làm cây giảm sức tăng trưởng, dùng supracide, suprathion, bassa,…. Phun thuốc trừ rầy khi thấy xuất hiện rầy.

– Côn trùng hại rễ: Gồm các đối tượng thường thấy như mối, sung, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đấttừ 0 – 50cm, cây bị bệnh có là vàng nhạt, cây suy dễ chết.

– Bọ xít: Gồm 2 – 3 loài, chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non tạo ra các chấm đen trên vỏ quả và nhiều hạt chai cứng trong thịt quả, mật độ cao sẽ làm rụng nhiều quả, là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rất rõ năng suất và chất lượng quả.

– Mọt đục thân cành: xuất hiện khá phổ biến trên các vườn bơ, tạo nhiều lỗ đục nhỏ trên thân, cành (khác với sâu đục cành) với lớp phấn trắng ở lỗ đục (có thể là nấm) xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ vào đầu đến giữa mùa khô, lỗ đuc tuy nhỏ và đường đục ngắn, nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển và cành dễ gãy.

*Bệnh: Là đối tượng bảo vệ thực vật quan trọng trên cây bơ, một số bệnh phổ biến như sau:

– Bệnh thối rễ: Do nấm Phytophthora cinnamoni gây ra, ở những chân đất có thủy cấp cao, nấm xâm nhập làm hư rễ chính (rễ cọc), sau đó nấm lan tràn phá hủy cả bộ rễ làm cây chết rụi. Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang màu xanh nhạt rồi rụng. Cành chết dần từ ngọn xuống thân chính. Áp dụng các biện pháp phòng như sau: Không dùng hạt giống nhiễm bệnh và vệ sinh vườn ươm sạch sẽ phòng chống bệnh phát sinh và lan tràn. Trồng bơ trên các loại đất có kết cấu tơi xốp, tầng canh tác đủ sâu, rút nước nhanh khi mưa. Phát hiện kịp thời những vết thối trên thân cao sạch và quét sulfate đồng vôi đặc. Khi chết vì bệnh, nên đào và hủy bỏ đổ bệnh không lan tràn.

– Bệnh đốm lá: Trên lá có hình dạng và kích thước gần giống nhau, hình có góc cạnh hoặc hơi tròn, màu nâu. Trái bị bệnh mất giá trị, bệnh tồn tại trên lá già để phát tán khi có điều kiện thích hợp.

– Bệnh héo rũ: Lá héo, chết rất nhanh, nếu lột vỏ cành hoặc rễ cây đã chết sẽ thấy những đường sọc màu nâu ở phần tiếp giáp vỏ và gỗ. Dùng thuốc hóa học Anvil, Daconil, Aliette,… để phòng trừ.

 

3 thoughts on “Kỹ thuật trồng bơ”

  1. Đất đen pha sỏi ở hà giang trồng loại mít gì là phù hợp để đảm bảo chất lượng và đúng nhu cầu thị trường

    Reply

Leave a Comment