Nhân sâm và công dụng chữa bệnh

Nhân sâm còn có tên là viên sâm, dã nhân sâm.

Tên khoa học Panax ginseng C. A. Mey. (P.schinseng Nees.)

Thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.

Tên nhân sâm do vị thuốc giống hình người. Tên Panax do chữ Hy Lạp pan là tất cả, acos là chữa được, có ý nói vị thuốc chữa được mọi bệnh, ginseng và schinseng là phiên âm chữ nhân sâm.

Nhân sâm (Radix ginseng hay Radix ginseng sylvestris) là rễ chế biến rồi phơi hay sấy khô của cây nhân sâm trồng hoặc mọc hoang. Có tác giả xác định hai loại nhân sâm như sau:

Nhân sâm và công dụng chữa bệnh
Nhân sâm và công dụng chữa bệnh

1. Mô tả cây nhân sâm

Cây nhân sâm là một cây sống lâu năm, cao chừng 0,6m. Rễ mẫm thành củ to. Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được một năm (nghĩa là sau khi gieo được 2 năm) thì cây chỉ có một lá với 3 lá chét, nếu cây nhân sâm được 2 năm cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét. Cây nhân sâm 3 năm có 2 lá kép, cây nhân sâm 4 năm có 3 lá kép, cây nhân sâm 5 năm trở lên có 4 đến 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét (đặc biệt có thể có 6 lá chét) hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu.

Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, cây nhân sâm mới cho ra hoa, kết quả. Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm. Quả mọng hơi dẹt to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm năm thứ 3 chưa tốt. Thường người ta bấm bỏ đi đợi cây được 4-5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống

2. Phân bố và cách chế biến

Cây nhân sâm mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Triều Tiên, vùng Viễn Đông của Liên Xô cũ, còn được trồng ở Nhật Bản, Mỹ, nhưng nổi tiếng vẫn là sâm Triều Tiên và Trung Quốc.

Tại Triều Tiên, Khai Thành là nơi trồng nhiều sâm nhất đã có trên 200 trăm năm kinh nghiệm. Việt Nam tuy đã có thí nghiệm trồng bằng hạt và mầm do các nước bạn Triều Tiên, Liên Xô cũ và Trung Quốc giúp nhưng chưa thành công.

Trên thị trường có nhiều loại sâm do chế biến khác nhau. Ở đây chỉ giới thiệu cách chế biến hai loại hồng sâm và bạch sâm của Triều Tiên.

2.1 Hồng sâm: Chọn những củ sâm to nhất, nặng nhất 37g, rửa sạch đất từng củ một bằng bàn chải nhỏ, rửa ở dưới nước, để nguyên cả rễ, kể cả rễ nhỏ, rửa như vậy sẽ được củ sâm trắng ngà. Cho vào nồi hấp ở áp lực hơi nước cao 2 atmotphe từ 1 giờ 20 phút đến 1 giờ 30 phút. Nhiệt độ hấp 80-90°C. Sau đó sấy khô ở nhiệt độ 60-70°C (6-7 giờ) hoặc ở 50-60°C (8-10 giờ) nên sấy khô hết sức mau.

Sau khi sấy khô, dùng tay rứt các rễ con để riêng gọi là tu sâm, củ sâm còn lại giống như hình người (nếu không giống thì sửa cho giống) phơi ra nắng từ 7 đến 15 ngày (tùy theo sâm to hay nhỏ) là được. Sau đó chia hồng sâm thành hai cấp: Cấp trời (màu đẹp, dáng đều đặn, giống người), còn lại cấp đất. Cuối cùng đóng gói tùng cân ta (600g) một. Loại tốt nhất 15 củ nặng 600g loại kém nhất 60 củ=600g.

2.2. Bạch sâm: Vì sâm này khô và trắng. Những củ sâm không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm thì đem chế biến bạch sâm.

Trước hết cắt bỏ rễ con, dùng dao tre cạo sạch vỏ mỏng, sau đó phơi nắng cho hơi khô, đem vào sửa thành hình người rồi lại phơi nắng cho khô hẳn. Thời gian phơi cả trước lẫn sau hết chừng 7 đến 15 ngày. Sau đó đóng gói như hồng sâm. Thường hồng sâm được đóng vào hòm gỗ, bạch sâm đóng vào hòm giấy.

Gần đây, tại nhiều nước, nhân sâm đã được phát triển bằng nuôi cấy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân sâm.

3. Nhân sâm và công dụng chữa bệnh

Nhân sâm là một vị thuốc cổ truyền trung đông y. Các sách cổ thường ghi nhân sâm bổ năm tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) yếu tinh thần, định hồn phách, làm khỏi sợ hải, trừ tà khí, sáng mắt, uống lâu nhẹ mình, tăng tuổi thọ, chữa các chứng đau ruột, dạ dày, nôn mửa.

Cách dùng trong nhân sâm như sau:

1. Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã.

2. Thái mỏng cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một tí nước đậy nắp. Đun cách thủy, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thủy tiếp tục uống, làm như vậy cho đến khi hết mùi mới thôi.

Ngày uống 2-6g. Theo tài liệu cổ, nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (lá có vị đắng, hơi ngọt), vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí. Dùng chữa phế hư sinh ho suyễn, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí hư, sợ hải tiêu khác. Những người bệnh có thực tà không dùng được.

Vài đơn thuốc nhân sâm trong đông y

1. Độc sâm thang (đơn thuốc có một vị nhân sâ) chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, tinh thần suy nhược:

Nhân sâm 40g. Nước 400ml (2 bát) sắc còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một, không kể thời gian. Uống xong cần nằm yên.

2. Sâm phụ thang chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh:

Nhân sâm 40g (có thể 20g), chế phụ tử 20g (có thể dùng 10g), sinh khương 3 nhát, táo đen 3 quả, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.

Những vị thuốc dùng thay nhân sâm

Trên thị trường hiện nay có nhiều vị dùng lầm với tên nhân sâm. Ngoài các vị được giới thiệu kỹ ở sau như thổ cao ly sâm, bố chính sâm v.v…còn có vị thái tử sâm hay hài nhi sâm được dùng Giang Tô Trung Quốc dùng thay nhân sâm và cũng có khi đưa bán ở nước ta.

Đó là rễ cây Pseudostellaria raphonorrhiza (Hemsl). Pax thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae. Cây này là một loại cây cỏ nhỏ cao 7-15cm, chưa thấy ở nước ta. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý chưa được nghiên cứu. Có người mới phát hiện trong thái tử sâm có fructoza.

Dùng làm thuốc bổ, chữa trẻ con đổ mồ hôi trộm, kém ăn, với liều 8-12g một ngày.

Nguồn : Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

Leave a Comment