Những điều cần biết trong chăm sóc Cát lan

Cát lan - Cattleya gaskelliana
Cát lan – Cattleya gaskelliana

1.Nhiệt độ

Nhiệt độ rất quan trọng cho cây cối vì nó trực tiếp ảnh hưởng tới sự tăng trưởng nhanh chậm của cây.

Nhiệt độ thấp sẽ làm cây phát triển chậm lai, và nhiệt độ cao sẽ làm cho cây phát triển nhanh hơn. Cát lan thường thích ở nhiệt độ ban đêm từ 55-60°F hay là 22.8-15.6°C và từ 70-85°F hay 21.1-29.4°C cho ban ngày. Nhiệt độ giữa ngày và đêm phải có sự cách biệt từ 15-20°F hay 8-11°C  Cát lan mới ra hoa được.

2. Độ ẩm:

Cát lan cần có độ ẩm khoảng 35-60% vào ban ngày và từ 60-80% vào ban đêm. Với độ ẩm cao, lá và rễ cây hút được nước trong không khí giúp cho Cát lan tăng trưởng và cho hoa được lâu bền hơn, đồng thời cũng giúp cho Cát lan ít bị rụng nụ vào những mùa khô nóng.

3. Ánh sáng:

Ánh sáng rất quan trọng vì giúp cho cây tạo ra thức ăn và tăng trưởng nhanh chóng. Nhờ ánh sáng ban ngày, cây tạo ra chất đường để nuôi cây, đồng thời cũng thở dưỡng khí ra và hút thán khí (CO2) vào làm cho cây mau lớn. Ban đêm vì không có ánh sáng, cho nên cây không tạo ra thức ăn nhưng vẫn hô hấp và vẫn phát triển nhờ nguồn thức ăn còn giữ trong thân lá hay trong củ bẹ.Cát lan ưa thích từ 30-50% ánh sáng thiên nhiên tức là khoảng 2000-4000 ánh nến (foot candles) Quá nhiều ánh nắng sẽ làm lá cháy vàng và làm chết cây con, còn nếu thiếu ánh sáng sẽ làm cho cây phát triển chậm lại. Lá cây xanh đậm là thiếu ánh sáng và đó là nguyên do cây khó ra hoa. Nếu lá cây xanh vừa hoặc xanh vàng thì Cát lan dễ ra hoa và màu hoa sẽ đậm hơn.

4.Nước:

Cát lan cần có nước để tạo ra chất đường để nuôi dưỡng cây.Trong chất đường ta thấy có carbon, hydrogen và oxygen.Trong nước (H2O) có hydrogen và oxygen còn carbon thì lấy từ từ thán khi (CO2) để tạo ra chất đường. Trong thiên nhiên, Cát lan nhận được nước và độ ẩm gần như mỗi ngày, nhưng vì rễ chỉ bám vào thân cây hoặc rủ lòng thòng trên không, cho nên mỗi khi bị ướt thì sẽ khô ngay trong ngày. Khi trồng ta nên tưới và để cho khô rồi mới tưới trở lại. Trồng trong chậu nhựa, thông thường vào khoảng một tuần mới khô. Nếu tưới liên tục rễ sẽ bị thối và cây sẽ chết. Lá cây và củ bẹ mập mạp là có đủ nước, nếu nhăn nheo là thiếu nước.

5.Bón phân

Phân bón sẽ giúp cho cây tăng trưởng nhanh hơn và kích thích ra hoa nhiều hơn. Cát lan cần nhiều ánh sáng nên đòi hỏi nhiều phân bón hơn lan nữ hài và hồ điệp. Nên dùng phân 20-20-20 hoặc 20-10-20 để tưới quanh năm, nhưng ta có thể dùng 10-30-30 để kich thích thêm vào mùa ra hoa. Khi bón ta nên pha từ ¼ hay ½ thìa cà phê vào 1 gallon nước để tưới mỗi tuần. Khi thấy đầu ngọn lá bị cháy đen tức là quá nhiều phân bón. Nên tưới nước không 2 tuần rồi hãy bón phân trở lại.

6.Thay chậu

Ta nên thay chậu vào mùa hè vì lúc này cây và rễ bắt đầu phát triển. Cát lan ưa trồng trong vỏ cây (bark) hoặc rêu (moss) Thông thường trồng với vỏ cây pha trộn thêm với 10% vỏ dừa (coconut chip, husk) để giữ ẩm và 10% perlite hoặc than để cho được thoáng khí. Ta nên thay chậu mỗi năm một lần vì nếu vỏ cây mục sẽ làm thối rễ. Trước khi thay chậu ta cần phải ngâm vỏ cây và vỏ dừa khoảng 2 ngày để chất nhựa trong vỏ cây ra hết. Sau đó sẽ ngâm với phân bón, nacosan hoặc physan 20 để sát trùng và B1 để giúp cho rễ mau phục hồi hơn.

7.Rung chuyển:

Một trong những yếu tố quan trọng, nhưng thường ít ai để ý đến là sự rung chuyển trong thực vật chẳng kém gì đối với động vật và loài người.Trong thiên nhiên, thực vật vốn có sự gắn bó với động vật. Sự rung chuyển này phát ra từ âm thanh của côn trùng, chim chóc và dã thú cũng giúp cho cây được tăng trưởng.

8. Gió:

Trực tiếp làm cho cây rung chuyển và giúp cho cây ít bị bệnh hơn.Trong cuộc nghiên cứu ở một trường đại học đã cho ta thấy rằng cây cà chua nếu được nghe nhạc thì sẽ mọc nhanh và trái sẽ to hơn là cây không được nghe nhạc. Như vậy Cát lan khi trồng ở nơi thoáng gió sẽ phát triển nhanh hơn và ít bị bịnh hơn.Tất cả những yếu tố kể trên đều là nhu cầu cần thiết của nhiều loại cây nói chung và Cát lan nói riêng.Nếu đáp ứng được những đòi hỏi kể trên, chúng ta sẽ trồng Cát lan dễ dàng và thành công hơn. Ngoài ra sự học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm của chính mình theo khí hậu, nơi trồng, nước tưới mà ứng biến sao cho phù hợp với nhu cầu của cây lan sẽ giúp chúng ta thành công.

Nguồn : Hoa lan cây cảnh

Leave a Comment