Sâu đục cành cây Sapo – cách diệt trừ

Sâu đục cành cây Sapo  là một trong các đối tượng sâu bệnh thường gây hại nhiều và rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, trong thân cây, thuốc hoá học không thể thấm được vào bên trong cành, trong cây mỗi khi phun thuốc.

Sâu đục cành cây Sapo thường tấn công từ trên ngọn
Sâu đục cành cây Sapo thường tấn công từ trên ngọn

Sâu đục cành cây Sapo thường tấn công từ trên ngọn xuống, khi còn nhỏ chúng chỉ đục ở lớp vỏ ngoài của cây, càng lớn chúng càng đục ăn sâu hơn vào phần gỗ, làm cho cành bị suy yếu, lá bị vàng, còi cọc, ít trái, trái bị rụng nhiều… Nếu không diệt trừ kịp thời, để sâu đục vào đến tim cành thì cành sẽ bị chết, nếu sâu đục xuống đến gốc thì sẽ bị chết cả cây.

Kinh nghiệm diệt sâu đục cành cây Sapô như sau:

Thường xuyên kiểm tra vườn (3-5 ngày một lần) để phát hiện sớm khi sâu còn nhỏ tuổi (thông qua lớp phân của sâu nhìn giống như mùn cưa đùn từ trong cây ra ngoài dính trên cành, rớt xuống đất), gây hại chưa đáng kể (vì sâu mới đục được một đoạn ngắn ở lớp vỏ ngoài của cây). Do đặc điểm của loại sâu đục cành cây Sapo này là trên đường đục từ ngọn xuống cứ cách vài phân là chúng lại đục một lỗ thông ra phía ngoài để đùn phân ra và có lẽ cũng là để làm lỗ cho sâu thở, tìm trên cành xem lỗ đục nào ở vị trí thấp nhất trên đoạn cành bị đục (con sâu bao giờ cũng nằm kế chỗ lỗ đục đó). Sau khi tìm được lỗ đục chỉ việc lấy mũi dao nhọn, khơi tách nhẹ một đoạn ngắn vỏ ở phía dưới chỗ có lỗ đục một chút là bắt đượccon sâu chứ không cần phải đào bới hết lớp vỏ dọc theo chiều dài đường đục của sâu. Làm như vậy không những diệt sớm sâu khi sâu chưa kịp đục sâu vào bên trong cành, trong thân gây hại nhiều cho cây, mà chỗ bóc tách lớp vỏ cây để tìm sâu cũng rất ngắn, cây đỡ mất sức, chỗ bị tách mất lớp vỏ cũng nhanh liền da hơn.

Theo Nguyễn Vĩnh Thượng

Leave a Comment