Trồng Súp lơ an toàn theo VietGAP

1. Đặc điểm chính

Súp lơ  là cây thuộc họ thập tự, nhưng phần sử dụng chủ yếu để làm thực phẩm lại là phần cành mang các chùm hoa (còn gọi là hoa lơ). Điều kiện thích hợp cho sinh trưởng phát triển và cho chất lượng sản phẩm tốt nhất ở nhiệt độ 15 – 18oC. Trong điều kiện đó, hàm lượng dinh dưỡng trong súp lơ cao hơn hẳn so với bắp cải và su hào. Hiện nay, có nhiều giống súp lơ chịu nóng có thể trồng sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ (mùa đông), nhưng chất lượng không cao vì cây phát triển chậm, hoa nhỏ, cứng và mau già.

Súp lơ là cây ưa ánh sáng dài ngày và ưa ẩm. Yêu cầu dinh dưỡng cao, nhất là thời kỳ ra hoa tập trung tới hơn 70% tổng lượng dinh dưỡng cho cây. Hiện nay có 2 nhóm giống trồng phổ biến trong sản xuất là:

Súp lơ trắng
Súp lơ trắng

         Tên khoa học: Brassica oleracea L. var. botrytis (súp lơ trắng)

 Brassica oleracea L. var. italica (súp lơ xanh)

Họ thập tự: Cruciferae

súp lơ xanh
súp lơ xanh

– Nhóm giống sớm: Chủ yếu gồm các giống nhập từ Thái Lan và Đài Loan, có khả năng chịu nhiệt độ cao. Thời gian từ trồng đến thu hoạch khoảng 80 – 90 ngày. Hoa có kích thước trung bình, mỏng và chất lượng khá tốt.

          – Nhóm giống chính vụ: Gồm các giống nhập nội từ Nhật Bản, Hà Lan, nhưng chủ yếu từ Trung Quốc. Dạng hình cây thấp, hoa to và có màu trắng ngà. Trọng lượng hoa thường đạt 2 – 3 kg. Thời gian từ trồng đến thu hoạch khoảng 100 – 125 ngày.

2. Quy trình trồng súp lơ an toàn

2.1. Giai đoạn trong vườn ươm: 

Lượng hạt gieo để trồng cho một ha vào khoảng 400 – 600g hạt. Trước khi gieo cần ngâm hạt vào nước ấm 45 – 50oC trong thời gian 15 – 20 phút, vừa có tác dụng kích thích hạt nảy mầm vừa có tác dụng diệt nấm bệnh trên hạt hoặc xử lý hạt giống bằng các thuốc trừ sâu bệnh. Xử lý đất, lên luống và bón phân trên ruộng gieo ươm cây con tiến hành tương tự như đối với cây cải bắp. Chú ý làm mái che để chống mưa hoặc gió rét. Sau khi cây mọc hàng ngày tưới nước sạch. Hàng tuần tưới lân, đạm, nước ngâm phân chuồng mục pha loãng 5%.

Có 2 thời vụ gieo trồng chủ yếu là:

          – Vụ sớm: Gieo trong tháng 7 đến giữa tháng 8, trồng vào tháng 8 đến tháng 9. Trong vụ này chủ yếu trồng các giống chịu nóng và thời gian sinh trưởng ngắn. Thời gian cây con trong vườn ươm thích hợp vào khoảng 25 – 30 ngày, khi cây có 4 -5 lá thật.

         – Vụ chính: Gieo vào giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, trồng giữa tháng 10 đến đầu tháng 11. Các giống trồng vụ này có thời gian sinh trưởng dài. Thời gian cây con trong vườn ươm thích hợp vào khoảng 30 – 35 ngày, khi cây có 4 -5 lá thật.Cần chú ý phòng trừ bệnh chết rạp cây con do các loại nấm đất gây ra khi cây có 1- 2 lá thật, nhất là khi mưa phùn ẩm hoặc độ ẩm không khí cao. Có thể gieo cây giống theo phương pháp khay bầu trong nhà lưới để đảm bảo cây con đều, khỏe: gieo cây giống trên các khay nhựa 50 hoặc 70 lỗ (55cm x 40cm), khi cây có 2 lá mầm hoặc 1 lá thật thì chuyển ra đồng ruộng. Giá thể của bầu gồm 1/3 là phân chuồng hoai mục, 1/3 là mùn cưa hoặc trấu hun, 1/3 còn lại có thể gồm đất bột, phân rác, than bùn hoặc các chất xơ mục. Cứ 20 kg giá thể thì trộn thêm 1 kg supe lân. 

2.2. Giai đoạn trồng ngoài ruộng

– Kỹ thuật làm đất, bón phân:

 Để đảm bảo sản xuất rau an toàn, khu trồng phải cách ly với khu vực chất thải công nghiệp, bệnh viện và cách xa hệ thống nước thải sinh hoạt. Đất trồng cần cày bừa kỹ, sạch cỏ. Luống trồng rộng 0,8 – 1,0 mét. Trong vụ rau sớm, mặt luống làm kiểu mui rùa và cao, còn vụ chính làm mặt luống cho phẳng có thể thoát nước dễ dàng khi mưa và tránh đọng vũng nước khi tưới.

Tuỳ theo từng loại đất, lượng phân bón lót cần thiết cho một hecta như sau:

          – Phân chuồng hoai mục: 30 – 35 tấn/ha

          – Đạm ure: 50 – 60 kg

          – Lân super: 120 – 150 kg

          – Phân kali clorua: 70 – 80 kg.

Toàn bộ phân chuồng hoai mục, đạm, lân và kali nêu trên trộn đều và kỹ. Sau đó chia đều cho các hố trồng đã cuốc (đào sẵn).Bón thúc: Toàn bộ phân bón thúc khoảng 60 – 80 kg đạm ure/ha, chia ra 3 lần bón như sau:

          – Lần 1: Sau khi trồng 15 – 20 ngày, kết hợp với xới vun gốc sau đó hoà đạm với nước để tưới cho cây với lượng 20 – 25 kg/ha

          – Lần 2: Sau lần 1 từ 10 – 15 ngày với cách làm tương tự như lần 1.

          – Lần 3: Khi cây chéo nõn, tiến hành bón nốt số phân đạm còn lại (20 – 30 kg/ha) để giúp cây phát triển hoa to và chắc.Có thể sử dụng các loại phân bón lá trong nửa đầu thời kỳ sinh trưởng của cây (thời điểm trước 45 – 50 ngày sau trồng).

– Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

Tuỳ theo mùa vụ mà bố trí mật độ trồng cho phù hợp. Mỗi luống chỉ nên trồng 2 hàng theo kiểu nanh sấu (so le) để dễ chăm sóc. Khoảng cách trồng là 40 ´ 50 cm tức vào khoảng 23000 cây/ha hoặc 50 ´ 60 cm ( khoảng 21000 cây/ha). Trước khi trồng có thể nhúng cây con vào dung dịch thuốc Sherpa 25EC nồng độ 0,1 – 0,15% hoặc thuốc Regent 800WG.

Sau khi trồng cần tưới đẫm nước và hàng ngày tưới đều trên cây cho tới khi cây hồi xanh. Đặc biệt, khi cây chuyển sang giai đoạn chéo nõn là thời kỳ cây cần rất nhiều nước, vì vậy phải tưới đẫm trực tiếp vào gốc cây để không làm ảnh hưởng tới hoa. Cũng có thể áp dụng phương pháp tưới rãnh, nhưng chú ý khi nước đã ngấm được 1/2 luống thì phải tháo hết nước. Nguồn nước tưới phải sạch, từ giếng khoan hoặc bơm từ sông suối. Tốt nhất nên tưới nước theo phương pháp phun mưa vào buổi chiều để hạn chế sự phát triển của sâu tơ. Không dùng nước phân tươi, từ các nguồn nước thải công nghiệp và nước sinh hoạt để tưới cho rau. Chú ý không để ruộng rau quá ẩm hoặc úng nước.

Có thể phun thuốc 1 lần để phòng trừ sâu xanh bướm trắng (P. rapae) khi cây đã hồi xanh và 2 lần để phòng trừ sâu tơ (P. xylostella) khi cây bắt đầu ra hoa (khoảng 40 – 45 ngày sau trồng) và khi hoa vào thời kỳ lớn nhanh (65 – 75 ngày sau trồng) bằng các thuốc như Bt, Tập kỳ 1,8 EC, Elincol 12ME hoặc Pegasus 500 ND, Sherpa 25EC, v.v.

Trong vụ rau trồng sớm, súp lơ thường bị rệp muội và sâu khoang, sâu xanh phát sinh gây hại, cần theo dõi đồng ruộng thường xuyên để phun thuốc vào những ổ rệp và ngắt bắt các ổ trứng và sâu non sâu khoang khi phát hiện được. Có thể dùng bẫy pheromone trừ sâu khoang và sâu tơ sau khi trồng. Đồng thời cần chú ý phòng trừ bệnh trên hoa bằng các thuốc như Ridomil MZ 72WP, Score 250ND, v.v…, nhất là những chân đất ẩm thấp, úng nước.

Trong phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh, phải đảm bảo phun đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng đỉnh cao sâu non tuổi nhỏ hoặc thời điểm bệnh bắt đầu phát sinh và đảm bảo thuốc phân bố đều trên cả 2 mặt lá. Ngừng việc phun thuốc khoảng 15 – 20 ngày trước khi thu hoạch rau.

– Che đậy hoa:

 Súp lơ là cây cần ánh sáng mạnh trong giai đoạn đầu chưa ra hoa, nhưng từ khi ra hoa lại cần ánh sáng yếu. Vì vậy, trong thâm canh cây súp lơ trắng việc đậy hoa là khâu kỹ thuật hết sức quan trọng để hoa đẹp, mềm và không bị nở hoa sớm. Giống súp lơ sớm ra hoa vào 45 – 50 ngày sau trồng, còn giống trung bình và muộn ra hoa vào 55 – 60 ngày sau trồng. Vì vậy, biện pháp che đậy hoa tiến hành khi hoa có đường kính từ 3 – 4 cm bằng cách: khi hoa còn nhỏ thì bẻ gập 2 lá trong để phủ kín hoa. Khi hoa có kích thước lớn thì ngắt lá to bên ngoài để đậy. Thay lá mới khi lá cũ đã héo để không làm ảnh hưởng tới hoa. Súp lơ xanh thì không phải che đậy hoa.

2.3. Thu hoạch: 

Sau khi ra hoa khoảng 15 – 17 ngày là có thể thu hoạch được. Lúc này mặt hoa có biểu hiện không phẳng và mép xung quanh có hiện tượng nở. Thời gian thu hoạch trên ruộng không nên kéo dài vì nụ hoa sẽ nở, giá trị thương phẩm bị giảm thấp. Sau khi chặt cây, cần lấy các lá bao túm lấy hoa để tránh bị khô héo và cần sớm đưa đi tiêu thụ. Có thể đóng gói vào các túi nilon ghi đầy đủ thông tin sản xuất theo quy trình VietGAP, nhưng chú ý đục lỗ để thoát ẩm trong quá trình vận chuyển.

Súp lơ được thu hoạch

* Các sâu hại chính trên cây súp lơ

+ Sâu tơ (Diamondback Moth): Plutella xylostella  Linnaeus.  

+ Sâu xanh bướm trắng (Imported cabbage worm): Pieris rapae Linnaeus.

+ Sâu khoang (Armyworm):  Spodoptera litura Fabricius.

+ Sâu xám (Black cutworm):  Argotis ypsilon  Hufnagel.

+ Rệp cải (Cabbage aphid): Breviconryne brassicae Linnaeus.

+ Rệp đào (Green peach aphid):  Myzus percicae Sulzer.

+ Bọ nhảy (Striped flea beetle): Phyllotreta striolata Fabricius.

* Các bệnh hại chính 

+ Bệnh sương mai (Downy mildew): Peronospora parasitica (Pers.) Frics.

+ Bệnh thối nhũn vi khuẩn (Soft rot): Erwinia carotovora Bergey

+ Bệnh chết cây con (gây bởi các nấm trong đất như Fusarium sp.; Pythium sp.,…)

Nguyễn Thị Nhung – Viện Bảo vệ thực vật


Leave a Comment