Bông điên điển mùa nước nổi

Bông điên điển với tôi và cả nhóm bạn là kỷ niệm không thể phai trong đời, đã qua 3 mùa nước nổi, bọn chúng tôi lênh đênh trên xuồng ba lá dạo sông nước vùng Mộc Hóa vừa để ngắm và hái Bông điên điển về chế biến món bánh xèo. Năm nay mùa nước nổi lại về, mùi Bông điên điển dân dã ấy lại quyến rũ bọn tôi, chắc lại phải về Mộc Hóa ngắm hoa và thưởng thức món ăn chế biến từ Bông điên điển.

Bông điên điển
Bông điên điển

Bông điên điển vàng rực nổi bật trên sông nước Miền Tây
Bông điên điển vàng rực nổi bật trên sông nước Miền Tây

Thật lạ! cây Bông điên điển cứ mọc cao lên theo con nước, khoe những chùm hoa vàng rực rỡ.Bạn hãy tưởng tượng xem, một cánh đồng mênh mông nước, từng cụm điên điển mọc rải rác hay tập trung thành từng đám lớn, từng chùm Bông điên điển rung rinh trong gió, đong đưa khi bị những lượn sóng của xuồng ghe qua lại tạt vào thân cây, một hình ảnh đẹp và khó thể quên. Không chỉ bọn chúng tôi, mà những khách phương xa khi đến với mảnh đất miền Tây Nam Bộ cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của sắc Bông điên điển và bị níu chân bởi những món ngon được chế biến từ bông của loài cây vùng sông nước này.

Hoa và trái cây điên điển
Hoa và trái cây điên điển

Trước đây , người nông dân thường dùng bông điên điển nấu cháo cầm cự với cơn đói cho qua những tháng ngày không  kiếm được tiền. Ngày nay, bông điên điển giúp người nông dân có thêm thu nhập bên cạnh việc đánh bắt cá, tép trên những cánh đồng trắng xóa mùa nước nổi.

Bông điên điển làm bất cứ món ăn nào cũng ngon, chính vì vậy mà hầu hết các món đặc sản của người Nam Bộ được chế biến đều có bóng dáng Bông điên điển. Từ Bông điên điển, qua bàn tay khéo léo của các mẹ các chị đã trở thành những món ăn ngon đầy màu sắc. Đó có thể là món ăn chơi như món bánh xèo bông điên điển, gỏi nộm bông điên điển, điền điển xào tép… hay những món ăn bình dị như món canh chua bông điên điển ăn với cá linh kho tiêu, món dưa chua điên điển…

Với món canh chua thông thường người ta không bỏ trực tiếp bông điển điển vào nấu mà chỉ khi nào ăn mới gắp và nhúng vào nồi nước canh đang sôi. Ở vùng sông nước này món canh chua thường nấu với cá lóc, cá rô, cá linh,… khi ăn vị thơm của cá, vị chua của lá me, lá giác thêm vị nhân nhẫn đặc trưng của Bông điên điển tạo nên một hương vị hấp dẫn rất đặc trưng, làm cho những ai đã một lần được thưởng thức sẽ không thể nào quên.

Món bánh xèo bông điên điển - một trong những món đặc sản của vùng nước nổi
Món bánh xèo bông điên điển – một trong những món đặc sản của vùng nước nổi

Bông điên điển còn có thể xào với tép, làm nhân bánh xèo…ăn vừa ngon, vừa lạ miệng mà không phải nơi nào cũng có được. Đặc biệt khi nhà có khách lại gặp phải những hôm trời mưa gió với món bánh xèo Bông điên điển  dường như cái mênh mông, mưa gió mịt mù gợi cảm giác miên man buồn bỗng vơi đi trong tiếng rộn rã, xì xèo đổ bánh.

Món ăn đặc sắc, đơn giản nhất có thể kể đến là bông điên điển làm dưa. Bông điên điển rửa sạch cùng giá sống, để cho ráo nước. Cho hỗn hợp bông điên điển và giá vào  một cái hũ bên trong có nước vo gạo đã được lắng pha với một ít muối. Đậy ủ kín hũ chừng ba ngày là có một đĩa dưa điên điển vừa mang vị chua chua, đăng đắng lại rất giòn giòn. Món này chấm nước nước mắm hay cá kho ăn với cơm là ngon không gì bằng. Nếu cầu kì một chút, cho thêm bông súng, ngó sen, xác dừa nạo vào trộn chung với dưa, nêm nếm thêm tỏi, đường, muối, ớt cay… sẽ tạo nên một món gỏi thật dân dã nhưng rất thơm ngon, hấp dẫn.

Bông điên điển làm rau ghém trong món lẩu
Bông điên điển làm rau ghém trong món lẩu

Đến Châu Đốc (An Giang) mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên người ta ăn bún với rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc bạn sẽ được thưởng thức hương vị lạ kỳ của chỉ độc một loại bông điên điển mà thôi. Muốn có phong vị thời khẩn hoang, người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác. Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một cái lẩu cá linh với me sống (hoặc chanh) vừa chua, người địa phương chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Với bông điên điển, cả hai món ăn này sẽ cho bạn tận hưởng một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có được. Món ngon này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có vài bạn “tâm đầu” bên ly rượu đế, chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Tình làng nghĩa xóm sao mà đậm đà đến vậy!

Sưu tầm

Leave a Comment