Có hay không loại “siêu trái cây”?

Hội thảo quốc tế chủ đề: Superfruits Myth or Truth? (Siêu trái cây, sự thật hay huyền thoại?) vừa diễn ra tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo Tổ chức mạng lưới quốc tế các trái cây nhiệt đới (International Tropical Fruits Network – TFNet), nói đến “siêu trái cây”, người ta nghĩ đến lợi ích của trái cây cho sức khỏe con người…

Thuật ngữ “siêu trái cây” đề cập đến mức độ chất chống oxy hóa, được đo bằng khả năng hấp thụ oxy gốc tự do (oxygen radical absorbance capacity – ORAC). Trên thực tế, thông tin về “siêu trái cây” mới chỉ vỏn vẹn trong nhóm trái cây ít phổ biến và có vẻ độc đáo, chẳng hạn như trái lựu, việt quất, cherry… và được sử dụng rộng rãi để thúc đẩy thương mại.

siêu trái cây
Quả lựu

Trong khi hầu hết mọi người cho rằng siêu trái cây có lợi cho sức khỏe con người thì  một số nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng có quan điểm khác nhau. Một số cho rằng không có đánh giá khoa học, khách quan của một số trái cây “siêu” hơn về chất dinh dưỡng. Mỗi loại trái cây thường chứa các thành phần dinh dưỡng khác nhau và có lợi cho sức khỏe con người ở các khía cạnh khác nhau. Theo các chuyên gia TFNet, không có danh sách cố định của siêu trái cây và những hoa quả mới được đưa ra được gọi là “siêu” cũng cần được cân nhắc có đúng là “siêu” không?

Trong thực tế, thuật ngữ “siêu trái cây” được phổ biến ở một vài tiểu vùng trên thế giới (như Mỹ, Anh, Đức…) do được đầu tư nghiên cứu phân tích tác dụng của trái cây. Các kết luận trái cây “siêu” đã hỗ trợ đắc lực cho phát triển thị trường và giá trị gia tăng trái cây tươi cũng như chế biến. Trái cây nhiệt đới có rất nhiều loại có những ưu điểm vượt trội nhưng do không có thông tin xác nhận chất lượng công bố “siêu” nên được biết đến ít hơn. Việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ trái cây nhiệt đới, kể cả sản lượng và giá cả. Theo TFNet, trên thế giới, một số hợp tác xã, hiệp hội và các công ty sản xuất và xuất khẩu đã phát triển một chiến lược tiếp thị hiệu quả và đã được hưởng lợi đáng kể từ chiến dịch “siêu trái cây”. Điều này không có nghĩa coi thuật ngữ “siêu trái cây” là một mánh lới quảng cáo tiếp thị, nó phải là chiến lược xây dựng thương hiệu.

Các chuyên giá đánh giá, những gì có nghĩa là “siêu trái cây” (trái cây tươi, chế biến hay một bộ phận của trái cây) phải được các doanh nghiệp công bố. Trong quá trình sản xuất trái cây và công bố ra thị trường cần có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, từ chiến lược phát triển (quy hoạch); áp dụng khoa học kỹ thuật (trồng trái cây nào, trên đất nào, quy trình canh tác…); kỹ thuật thu hái, bảo quản, đến phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học chất lượng của từng loại trái cây.

Nguồn : Khoa học phổ thông

Leave a Comment