Mủ trôm nấu với đường phèn liệu có tốt cho sức khỏe?

Mủ trôm hoặc mủ gòn là một loại thức uống rẻ tiền nhưng có tác dụng giải nhiệt rất tốt, nhất là vào mùa hè. Nước mủ trôm hơi nhày, bên trong có lẫn những hạt cứng giòn giòn cũng ngon miệng.

Hiện nay mủ trôm đang được nhiều người chú ý vì “đồn” rằng nó có tác dụng giảm cân rất tốt và chống béo phì. Dân gian quen gọi là mủ trôm nhưng đó chính là chất nhựa tiết ra từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học là Sterculia foetida, họ Sterculiaceae, tên thương mại thường được gọi là gum karaya. Mủ trôm nguyên chất có màu trắng trong hơi mờ. Nhựa trôm có chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Về mặt y học, mủ trôm hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở và gây kích thích nhu động ruột và làm mềm phân, nhờ đó phân được đẩy ra dễ dàng. Vì lẽ đó mủ trôm được xem là thuốc nhuận tràng điều trị chứng táo bón.

Mủ cây trôm
Mủ cây trôm

Các hoạt chất trong mủ trôm còn giúp điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương. Mủ trôm được xem là vị thuốc, vì vậy khi dùng cần chú ý liều lượng. Không có chỉ dẫn cụ thể cho từng đối tượng nhưng phải tùy thuộc các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh lý hoặc cơ địa của từng người. Nếu sử dụng bừa bãi mủ trôm như một thức uống giải khát thì rất nguy hiểm.

Vào mùa nắng nóng, thị trường xuất hiện nhiều dạng nước giải khát thanh nhiệt như mủ trôm nấu đường phèn, nha đam đường phèn, rễ tranh đường phèn, các loại trà giải nhiệt với 19 loại thảo mộc… Các loại nước giải khát này uống vào lúc đang cơn khát và trời nóng bức thì quả thật là mát lòng mát dạ, mát phổi, mát gan, nhưng vẫn cần phải quan tâm đến yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi chế biến các loại nước giải khát có đường, vì lợi nhuận, nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều dạng hương liệu, hóa chất tổng hợp tạo mùi vị, dùng nhiều rất độc hại, nhất là khi thêm đường cát hoặc đường phèn tạo các thức uống ngọt, để tránh hư hỏng ôi thiu thì chắc chắn phải sử dụng thêm chất bảo quản. Với liều chất bảo quản cao quá mức cho phép từ 5 – 10 sẽ có hại cho sức khỏe (liều cho phép là dùng acid benzoic hoặc natri benzoat 1 – 2 phần ngàn), đây cũng là nguy cơ gây ung thư.

Ở các nước tiên tiến, chính phủ yêu cầu tất cả các loại thực phẩm ăn uống đều phải kê khai rõ thành phần chất chính và phụ trong công thức, không được giấu giếm hoặc khai man, nhưng ở nước ta, các loại nước giải khát tự chế biến này thì không ai kiểm soát, do đó người uống nên cảnh giác và thận trọng.

Không sử dụng mủ trôm trong các trường hợp sau đây: phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; người có khối u trong ruột và sau khi phẫu thuật; người đang uống thuốc chữa bệnh, vì mủ trôm có độ nhớt cao nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc đó vào máu khi uống mủ trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Sự gia tăng hấp thu này có thể gây ngộ độc thuốc. Để ngăn ngừa hiện tượng tương tác này, tốt nhất nên uống mủ trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.

 Cần lưu ý: Nếu dùng mủ trôm ở nhà thì không đun nấu sôi vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cũng không dùng nước nóng vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy cấu trúc của các phần tử polysaccharid làm ảnh hưởng đến độ nhớt của trôm gây mất tác dụng, vì vậy mủ trôm nấu đường phèn không phải là thức uống có lợi.

DS. Lê Kim Phụng-Báo Khoahocphothong

 

Leave a Comment