Những rau, củ, gia vị nên có mặt thường xuyên trong nhà

Một số  rau, củ, gia vị chỉ cần dùng rất ít để lấy hương cho món ăn nhưng lại có nhiều công dụng với sức khỏe!

gia vi s1 .Hành tây (Allium cepa)

Các hoạt chất sulfur trong hành có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh. Ăn hành tây còn làm giảm cholesterol trong máu, ổn định huyết áp, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, chúng còn tốt cho người bị viêm khớp và bệnh gout.   Chất fructo- oligosaccharides trong hành tây kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi ở ruột, giúp giảm nguy cơ phát triển khối u ở ruột kết. Trong nhà có treo vài củ hành tây giúp phòng bệnh cúm.

2. Đinh hương (Eugenia caryophyl- lata-Myrtaceae).

Đinh Hương có hương thơm, vị cay vì chứa eugenol, một tinh dầu có tác dụng chống viêm nhẹ, chống vi khuẩn. Đinh hương được sử dụng để nêm nếm trong các món súp, canh và món cà ri. Món phở không thể thơm ngon nếu không có đinh hương cùng với đại hồi, tiểu hồi, quế, trần bì, thảo quả…

 3. Húng quế (Basil-Ocimum basili- cum- Lamiaceae).

Basil được công nhận là một phần thiết yếu của các món ăn Ý. Ở Việt Nam, húng quế không thể thiếu khi ăn món phở truyền thống. Húng quế thường được dùng dưới dạng lá tươi và chúng đóng vai trò phòng vệ tự nhiên chống lại sự hình thành của các tế bào gây ung thư có hại cho cơ thể. Một vài lá húng quế trong các món ăn sẽ giúp tăng cường hoạt động của bộ máy tiêu hóa, chống đầy bụng, chướng hơi.

4. Quế (Cinnamomum sp-Lauraceae).

Quế được dụng giúp làm tăng hương vị cho nhiều món ăn chính, bánh và thức uống. Các loại tinh dầu thiết yếu được tìm thấy trong vỏ quế có tính chống đông máu và vi khuẩn. Các nghiên cứu về quế gần đây cho thấy gia vị này làm giảm sự gia tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Tuy nhiên quế là vị thuốc “đại nhiệt” nên không được dùng nhiều và lâu dài. Người bệnh gan, thận và phụ nữ có thai không nên dùng. Chỉ dùng với liều nhỏ để tăng thêm hương vị cho món ăn  (khoảng 1/3 muỗng cà-phê là đủ).

5. Rau thì là (Anethum graveo- lens- Apiaceae).

 Thì là có chứa tinh dầu monoterpenes và một enzyme có tên là glutathione-S- transferase. Enzyme này trung hòa các gốc tự do gây ung thư. Các chất dầu có trong rau thì là giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết các sắc tố mật và dịch tiêu hóa, chống đầy hơi. Thì là giúp giảm tanh trong các món cá, tránh ngộ độc thực phẩm và tốt cho tiêu hóa. Ở Trung Đông, Mexico và Ấn Độ người ta thường dùng hạt thì là hơn là lá tươi. Hạt có thể nghiền nát thành bột hoặc để nguyên. Đây là một nguồn cung cấp chất sắt chống thiếu máu hiệu quả. Hạt thì là (cumin) sẽ có hương thơm và mùi vị nồng nàn hơn khi được rang nhẹ trước khi dùng.

6. Rau cải (Brassicaceae)

Ăn nhiều rau cải sẽ giúp hấp thu được các loại tinh dầu và các glycoside có chứa lưu huỳnh, tác dụng kháng khuẩn cao. Dầu mù tạt (mustard) lấy từ hạt các cây họ cải (Brassicaceae) là gia vị được sử dụng rộng rãi, nhất là dùng chung với các món cá tươi sống. Mù tạt còn có hàm lượng ma-giê và selen cao nên giúp kháng ung thư hiệu quả, đồng thời giúp tiêu hóa tốt và giảm bớt mùi tanh của thực phẩm biển. Chất xơ và vitamin trong rau cải cũng hạn chế chứng táo bón.

 7. Ớt sừng (Cayenne).

Đây là gia vị cay, nóng được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của người Mexico và Ấn Độ. Hoạt chất capsaicin có trong ớt là tác nhân chống viêm mạnh. Nó cũng làm tăng sinh nhiệt và tiêu thụ nhiều ô-xy, nhờ vậy mà ăn ớt cũng góp phần để giảm cân. Tuy nhiên ăn nhiều sẽ không tốt vì làm ảnh hưởng đến dạ dày.

8. Bạc hà (Mentha arvensis- Lamiaceae).

 Các tinh dầu kháng sinh thực vật có trong lá bạc hà hỗ trợ bộ máy tiêu hóa, làm ấm bụng, chống nôn mửa chướng bụng khó tiêu. Dùng dạng lá tươi (5-10 lá) hoặc dạng cồn bạc hà (alcool de menthe). Tinh dầu bạc hà nên có sẵn trong nhà, khi bị đau bụng, đầy hơi chỉ cần nhỏ vài giọt trong một cốc nước ấm rồi uống.

 9. Củ cải trắng (Raphanus sativus L).

 Vitamin C ở trong củ cải giúp bài trừ chất cặn bã trong cơ thể. Đặc biệt nước củ cải chứa nhiều men tiêu hóa có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa thức ăn, tránh khó tiêu, sình bụng. Các hoạt chất này hấp thụ tinh bột trong thực phẩm, tiêu hóa nhanh thức ăn, phòng chống được đau dạ dày. Canh củ cải nấu với cải bắp kèm đậu hũ không những rất ngon mà còn có thể hỗ trợ đường tiêu hóa, dưỡng dạ dày và giữ ấm cho cơ thể. Do đó, nên lưu trữ vài củ cải trắng trong nhà để nấu, rất có lợi cho sức khỏe.

  DS Lê Kim Phụng-giadinh.net.vn

Leave a Comment